[tintuc]
Một số trường hợp mẹ bầu có thời gian chuyển dạ lâu hơn mức thông thường, tình trạng này thường xảy ra ở các mẹ bầu sinh con so. Mẹ bầu nên làm gì khi chuyển dạ lâu để tránh đau đẻ kéo dài được gợi ý dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu chuẩn bị tâm lý cũng như có kế hoạch đến bệnh viện sinh con đúng lúc nhất, nhằm giảm khả năng đau đẻ kéo dài hay các biến chứng sản khoa.
Mẹ bầu nên làm gì khi chuyển dạ lâu để tránh đau đẻ kéo dài

Thời gian chuyển dạ như thế nào được gọi là chuyển dạ lâu
Trung bình thời gian mẹ bầu vượt cạn lần tiên thường diễn ra trong khoảng 12-18 tiếng.
Tuy nhiên, nếu có bất cứ vấn đề phát sinh nào, việc chịu đựng quá trình chuyển dạ có thể lên đến trên 24 tiếng.
Một số trường hợp chuyển dạ lâu hơn bởi các vấn đề liên quan đến thể chất, chờ em bé di chuyển vào vị trí tốt hơn, chờ cổ tử cung đủ độ “chín”.
Đối với những mẹ phải chịu đựng thời gian chuyển dạ quá dài, chuyện đau đớn là điều không tránh khỏi.
Mẹ cũng nên nằm lòng rằng không phải cứ dài là nguy hiểm. Điều quan trọng là bà bầu luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và ứng phó trước mọi tình huống. Có thể bác sĩ sẽ dùng thuốc thang để tăng tốc quá trình, nhưng dù sao đi nữa bạn cũng nên “bỏ túi” 5 mẹo sau để đỡ đi phần nào căng thẳng.
1. Không nên để ý đến thời gian chuyển dạ
Mình đã chuyển dạ bao lâu rồi? Bao lâu nữa thì mới có cảm giác rặn? Bao lâu nữa thì sinh? Đây dường như là những câu hỏi hợp lệ, nhưng lại không phải liều thuốc động viên tinh thần tốt nhất cho bạn, có chăng chỉ làm bạn thêm lo lắng và khó chịu.
Mẹ bầu nên hạn chế nhìn đồng hồ, tập trung vào việc hít thở để giảm đau.
2. Nên ở nhà lâu một chút khi bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ
Ở nhà dĩ nhiên phải thoải mái hơn trong phòng chờ sinh của bệnh viện. Bạn có thể la hét vì đau đớn, nằm quằn quại trên chiếc giường thơm tho của mình, đi lại tự nhiên, xem tivi, dùng máy tính. Hơn nữa, bạn có thể ăn uống tự do, tắm táp, nghỉ ngơi. Tiện nghi ở nhà sẽ giúp bạn dễ chịu hơn rất nhiều.
Khi mới chỉ có máu báo và chưa có bất cứ cơn đau dữ dội hay dấu hiệu chuyển dạ đột ngột nào, bạn cứ nên thong thả, từ tốn, không làm gì phải vội.
3. Cố gắng nghỉ ngơi đôi chút trong lúc quá trình chuyển dạ chưa đến hồi kết
Trong quá trình chuyển dạ kéo dài, bà bầu nên thoải mái xuôi theo sự dẫn dắt của cơ thể.
Nếu bé chưa di chuyển đến vị trí thuận lợi, cổ tử cung chưa mở đủ, điều này đồng nghĩa đây là cơ hội để bạn nghỉ ngơi để chuẩn bị sức “chiến đấu” với trận chiến cuối cùng.
Ngủ một giấc ngủ ngắn, cố gắng thư giãn hết sức có thể.
4. Cố gắng tìm cách thư giãn để cơ thể dễ chịu, ít bị ảnh hưởng của chuyển dạ lâu
Đừng cố gắng chiến đấu một mình, thay vào đó nhờ đến sự trợ giúp của mọi người bất cứ khi nào có thể.
Nếu thấy đau lưng trong quá trình chuyển dạ, nhờ anh xã massage, bạn sẽ thấy đỡ hơn rất nhiều.
Biết đâu đấy khi cơ thể dễ chịu hơn, sự sinh nở cũng diễn ra nhanh chóng.
Cố gắng vận động đi lại vòng quanh, cách này giúp bảo vệ khớp và cả làn da của bạn trong quá trình rặn đẻ phải nằm ở một tư thế quá lâu.
5. Khi phát hiện dấu hiệu chuyển dạ cần bình tĩnh, không nên vội
Khi phát hiện máu báo, lời khuyên tốt nhất là làm lơ, thay vì cuống cuồng và lo lắng.
Tự nhắc mình lý do vì sao chưa thể sinh con lúc này: Quần áo em bé còn chưa giặt hết, đây chưa phải ngày dự sinh, chưa kịp ăn món ăn ưa thích. Không việc gì phải vội vàng cả, tận hưởng chút thời gian, không gian cuối cùng chỉ có mình bạn và em bé trong bụng.
Mẹ bầu nên làm gì khi chuyển dạ lâu để tránh đau đẻ kéo dài được tổng hợp với những mẹo nhỏ trên đây sẽ là gợi ý cho các mẹ bầu sinh con so cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Các mẹ bầu hãy đưa những mẹo này vào cẩm nang bỏ túi của mình để đón con yêu đến với mình một cách an toàn nhất nhé. giadinh.blog chúc các mẹ bầu được mẹ tròn con vuông.
[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm