[tintuc]
Hãy lưu lại ngay bộ “bí kíp” giúp bố mẹ có thể hiểu con hơn để quá trình chăm sóc và nuôi dạy con sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhé!

7. Tháng 7
Tâm sinh lý của bé 7 tháng tuổi

Tuần 1: Bé bắt đầu trở nên hiếu động hơn, thích những bộ quần áo thoải mái. Hãy lựa chọn loại vải mềm để không chà xát cơ thể bé khi cử động. Những bộ đồ rộng rãi, co giãn và dễ thở sẽ cho bé nhiều không gian để vận động hơn. Tránh những quần áo có chất liệu thô hoặc có mép may cộm ngứa hay có những dây cột dài vì có thể gây nghẹt thở cho bé và bất kỳ những gì có thể ảnh hưởng đến bé lúc ngủ và lúc chơi đùa.

Tuần 2: Lúc này bé có xu hướng hay dùng một bàn tay trong một khoảng thời gian và sau đó lại chuyển sang bàn tay kia. Bạn không thể nói được là bé thuận tay trái hay phải cho đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi. Đừng cố gắng tác động đến việc ưu tiên dùng tay của bé 6 tháng tuổi vì việc này đã được hình thành trước khi bé chào đời. Ép buộc bé sử dụng một tay khi bé có xu hướng sử dụng tay kia có thể khiến bé nhầm lẫn và dẫn đến những vấn đề trong tương lai về phối hợp tay và mắt, sự khéo tay và chữ viết tay.

Tuần 3: Bé đã có thể tập tự ăn bằng tay, hãy để vài mẩu thức ăn trên khay ăn của bé hoặc cho bé những miếng nhỏ thức ăn của bạn để kích thích vị giác phát triển. Bạn sẽ gặp nhiều thử thách và cần chú ý hơn khi cho bé ăn. Tốt nhất bạn nên dùng đĩa nhựa hoặc chất liệu không vỡ. Để làm giảm nguy cơ mắc nghẹn, bạn nên cho bé ăn khi đặt bé ngồi thẳng trong một ghế cao thay vì nằm dựa vào ghế ngồi xe hơi hoặc xe đẩy.

Tuần 4: Bé sẽ có xu hướng bị cuốn hút bởi những con thú nhồi bông lớn và nhỏ. Một trong số đó thậm chí trở thành vật yêu thích của bé. Bé 6 tháng tuổi đang tập tách dần khỏi bạn một cách chậm rãi và chắc chắn bé sẽ trở nên độc lập hơn. Một cách để biết bé có đồ chơi yêu thích không là bạn thử lấy chúng đi. Bạn sẽ thấy biểu hiện phản đối của bé khi lấy đi thứ gì mà bé thật sự thích. 

8. Tháng 8

Tâm sinh lý của bé 8 tháng tuổi

Tuần 1: Đa số các bé đã có thể bắt đầu tự bốc ăn bằng tay trong khi một số trẻ khác có thể bắt đầu muộn hơn vào lúc 10 tháng tuổi. Khi đến giai đoạn này, bạn có thể thử cho bé tập uống nước bằng bình có quai. Nếu bé gặp khó khăn trong việc hút nước từ vòi, hãy tháo nắp để bé uống trực tiếp từ cốc.

Tuần 2: Bạn sẽ có lúc phải nhắc nhở hay la bé vì những hành vi không đúng và ở tháng tuổi này, bé sẽ bắt đầu từ chối làm theo những mệnh lệnh của bạn. Điều này không có nghĩa là bé trở nên cứng đầu, chỉ là do bé tò mò cách phản ứng của bạn mà thôi.

Tuần 3: Lúc này răng bé bắt đầu mọc. Hầu hết các bé nhú chiếc răng đầu tiên, đặc trưng là 2 chiếc răng giữa hàng dưới. Nhiều bé bị sốt cao khi mọc răng. Để giúp con giảm bớt khó chịu, mẹ nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, khăn và nước ấm để lau mát. Khi bắt đầu mọc răng, bé sẽ có nhiều nước dãi và la hét nhiều hơn. 

Tuần 4: Cảm xúc của bé đã trở nên rõ ràng hơn. Trong vài tháng nữa, bé có thể học cách đánh giá và bắt chước tâm trạng và sẽ cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự đồng cảm. Ví dụ, nếu nghe thấy tiếng khóc, bé có thể sẽ khóc theo. Ngay cả khi chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về cảm xúc của mình, bé đang tiếp nhận mọi thứ từ bạn. Trong nhiều tháng (và năm) tiếp theo, bé có thể sao chép cách bé thấy bạn đối xử với mọi người.

9. Tháng 9

Tâm sinh lý của bé 9 tháng tuổi

Tuần 1: Bé bắt đầu hiếu động, sẽ có những đồ vật xung quanh bé rơi hoặc đổ vỡ. Đây là một phần tất yếu khi bé phát triển. Kiềm chế mong muốn bảo vệ bé, để bé tự lớn lên và học hỏi nhưng bạn nên đảm bảo an toàn cho con bằng cách che chắn những nơi nguy hiểm và đặt những đồ dễ vỡ xa tầm tay của bé.

Tuần 2: Bé khám phá các đồ vật bằng cách lắc, đập, thả và ném, thậm chí là ngậm chúng. Nên để những vật dụng an toàn, không dễ vỡ ở gần bé để con bạn có thể thỏa sức tìm hiểu.

Tuần 3: Thị lực của bé trước đây ở khoảng 20/40, nay đã phát triển gần như người lớn về mức độ rõ ràng và độ sâu. Bé 8 tháng tuổi có thể nhìn tốt nhất ở tầm gần, thị lực tầm xa của bé cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và các vật trong phòng. 

Tuần 4: Khi bé bắt đầu chập chững tập đi, bạn thường thắc mắc có nên mang giày cho bé không. Và câu trả lời là không. Đi chân trần có thể giúp tăng cường cơ bắp chân của bé. Việc cảm nhận những bề mặt tiếp xúc dưới chân có thể giúp bé giữ cân bằng.

10. Tháng 10

Tâm sinh lý của bé 10 tháng tuổi

Tuần 1: Đây là giai đoạn mà bạn dù để bé ở nhà hay đưa bé cùng đi ra ngoài cũng đều khó khăn với bạn và bé. Bé đã quen thuộc với không gian xung quanh và những gương mặt thân quen, vì vậy việc di chuyển trên đường có thể phá vỡ cảm giác an toàn và thói quen của bé, nhất là khi đến một nơi mới hoặc gặp nhiều người lạ. Bé có thể trở nên cáu kỉnh, bạn nên chuẩn bị nhiều trò tiêu khiển cho bé như truyện tranh, đồ chơi phát ra tiếng, khối xếp hình,... Nên giảm thời gian gặp những người lạ để bớt căng thẳng cho bé.

Tuần 2: Bé sẽ bắt đầu ghi nhớ thông tin cụ thể hơn, ví dụ như chỗ để đồ chơi. Bé có thể nhại lại những hành động đã thấy từ tuần trước. Bé đã có ký ức dù chỉ là khả năng nhớ những chi tiết trong thời gian ngắn. Bé vẫn chưa nhớ hầu hết những gì trải qua. Đến khi bé 2 hoặc 3 tuổi mới có thể nhớ lâu dài những sự việc xảy ra xung quanh.

Tuần 3: Những âm điệu, từ ngữ mà bé nghe được từ khi mới ra đời đã ảnh hưởng đến bé. Khi bước sang tháng thứ 10, bé bắt đầu có ý thức muốn sử dụng chúng. Những tiếng bập bẹ của bé giờ chuyển sang huyên thuyên và bắt đầu nghe hơi giống những từ, cụm từ và câu thật sự. Bé sẽ nghĩ là mình đang nói ra điều gì đó, vì vậy bạn hãy đáp lại như thể đang hiểu điều bé nói.

Tuần 4: Ở giai đoạn này, cá tính của bé đang dần bộc lộ rõ. Bé có thể rất hòa đồng, cười toe toét với tất cả mọi người bé gặp, hoặc hơi rụt rè, bẽn lẽn khi có người lạ muốn lại gần. Bé có thể rất mạnh dạn hoặc đánh giá tình hình cẩn thận trước khi làm việc gì. Bé thậm chí dễ nổi cáu hoặc thay đổi tâm trạng khá đột ngột. 

11. Tháng 11

Tâm sinh lý của bé 11 tháng tuổi

Tuần 1: Bé sẽ có những câu nói ngô nghê và đáng yêu. Nhưng tốt nhất là cố gắng tránh xu hướng dùng lời của con trẻ, việc lặp lại lời bé có thể vui nhưng nghe những ngôn từ đúng sẽ tốt hơn cho sự phát triển của bé. Bé chỉ mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản, vì vậy quan trọng hơn tại thời điểm này là thường xuyên nói chuyện với bé. 

Tuần 2: Hầu hết các bé có thể ngồi tự tin và thậm chí có thể đi bộ khi vịn lên đồ đạc một quãng ngắn và đứng mà không cần hỗ trợ. Bé sẽ bước từng bước khi có người giữ và sẽ cố gắng quơ lấy một thứ gì đó trong tầm với. Sau thời điểm này bé sẽ trở nên độc lập hơn và việc trông giữ bé sẽ vất vả hơn với bạn. Hầu hết các bé tập đi vào khoảng 12 tháng tuổi, nhưng một số bắt đầu sớm hơn. Nếu con bạn chưa đi váo tháng này, đừng lo lắng vì vẫn còn sớm. 

Tuần 3: Bé có thể đi chập chững khi bạn nắm tay bé, đưa cánh tay hoặc chân ra để giúp bạn mặc đồ cho bé dễ dàng. Trong giờ ăn, bé có thể tự uống bằng ly và tự đút ăn. Cũng có một số bé chưa làm tốt trong nhiều tháng hoặc một, hai năm tới. Khi bé có thể tự uống bằng ly, bạn nên quan sát kỹ vì bé có khả năng quăng nó thay vì đặt xuống sau khi uống xong.

Tuần 4: Bé có thể nhớ được những điều bạn nói. Vì vậy, đừng quên giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng cách nói chuyện thật nhiều và đọc truyện cho bé. Ngay cả khi ngày mai bé không nhớ được những gì bạn nói ngày hôm nay, bạn vẫn nên bắt đầu dạy bé những điều quan trọng, như đúng khác với sai, an toàn và không an toàn.

12. Tháng 12

Tâm sinh lý của bé 12 tháng tuổi

Tuần 1: Bé giờ đây đang nói những âm từ rõ ràng hơn và có thể sử dụng một số từ đúng nghĩa. Não của bé đang tiếp tục phát triển trong giai đoạn này khiến khả năng lập luận và phát biểu của bé phát triển theo. Tương tác với bé bằng cách trò chuyện và khuyến khích con đáp lại sẽ kích thích sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ. 

Tuần 2: Các bé ở giai đoạn này rất thích được xem sách và lật giở sách, mặc dù không phải lúc nào bé cũng có thể giở từng trang. Đặc biệt những cuốn sách với hình minh họa lớn nhiều màu sắc hoặc với những trang giấy dán cứng dày dặn để phù hợp với tay bé.

Tuần 3: Là thời điểm tốt để mẹ có thể hướng dẫn về khái niệm giúp đỡ mặc dù bé chưa thể nắm bắt được ngay. Đến lúc chập chững đi, bé sẽ hào hứng giúp sắp xếp đồ chơi và nhặt những đồ ăn nhẹ vương vãi. Nhấn mạnh các từ “con giúp mẹ… nhé”, “cảm ơn con” để tạo cho bé thói quen lặp lại những từ này với bạn một ngày nào đó.

Tuần 4: Bạn có thể khuyến khích bé tập đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé và đưa tay ra. Bạn có thể nắm cả hai tay bé và dẫn bé bước về phía bạn. Như những trẻ khác, bé sẽ bắt đầu những bước dài đầu tiên với cánh tay dang ra để giữ thăng bằng và khuỷu tay hơi cong, bàn chân của bé sẽ quay ra ngoài và bụng ưỡn về phía trước trong khi mông nhô ra phía sau. Tất cả các hành động này cũng là để giữ thăng bằng. Bạn luôn phải đảm bảo cho bé có một môi trường an toàn để thực hành những kỹ năng mới. Bạn chú ý an toàn cho bé và không bao giờ để bé một mình. 
[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm