[tintuc]
Việc cai sữa đối với nhiều mẹ là một thử thách rất khó, tuy nhiên nếu lựa chọn đúng thời điểm và phương pháp, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Việc cho con bú mẹ, ngoài mục đích "nuôi", còn có ý nghĩa "dưỡng", vì nó mang lại cho con nhiều lợi ích tích cực về mặt tinh thần và cảm xúc. Thực tế, tổng thời gian con gắn kết với ti mẹ là rất ngắn so với tổng thời gian trong cuộc đời của con về sau. Nên nếu mẹ cảm thấy việc cho con bú trực tiếp là một việc cả mẹ và con đều có thể tận hưởng hết sức thoải mái và dễ chịu, thì hãy cứ tiếp tục càng lâu càng tốt mẹ nhé.

Các chuyên gia y tế khuyên rằng, dưới 6 tháng, nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con là sữa mẹ hoàn toàn. Sau 6 tháng con sẽ cần ăn dặm thêm, và tiếp tục sữa mẹ nếu có thể đến dưới 1 tuổi. Sau 1 tuổi mẹ có thể giới thiệu sữa bò tươi cho con. Nếu không can thiệp gì, con sẽ tự dứt ti mẹ khi bản thân con sẵn sàng. Sớm thì là khoảng 11-12 tháng, muộn hơn có thể là 2-3 tuổi.

Trong trường hợp khi con đã được hơn 1 tuổi, và việc ti mẹ bắt đầu gây cản trở cho mọi sinh hoạt gia đình, thì mẹ có thể lên kế hoạch cai ti mẹ cho con một cách nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương tâm lý của con qua 10 gợi ý sau:

Gợi ý giúp bé cai ti mẹ

1. Xác định việc cai ti mẹ nên diễn ra từ từ trong khoảng vài tuần, thay vì cai ti đột ngột và dứt ngay lập tức để con quen dần, và ngực mẹ cũng tránh được nguy cơ viêm tắc tuyến sữa.

2. Tránh những giai đoạn khi gia đình ó các sự kiện đặc biệt hay các thay đổi đột ngột như: Chuyển nhà, con trong kỳ khủng hoảng, con đang tập bỏ bỉm, con vừa bắt đầu đi học, con đang bị bệnh, mọc răng…

3. Bắt đầu cai một cữ bú giữa ngày trước tiên. Cai các cữ ban ngày trước, cai cữ ban đêm sau.

4. Vào quanh giờ của cữ bú dự định sẽ cai, tránh ngồi ở chỗ mẹ hay cho con bú, và không mặc những bộ quần áo mà mẹ hay mặc khi cho con ti. Có thể dùng eyeliner (bút vẽ mắt) vẽ nguệch ngoạc lên ngực để con tự từ chối.

5. Đừng từ chối con thẳng thừng bằng cách nói những câu như: "Mẹ không cho con ti nữa, mình phải cai ti thôi". Hãy dùng chiến lược đánh lạc hướng con khi đến cữ ti: Rủ con chơi một trò chơi mới, hay làm một hoạt động nào đó mà con thích. Cùng lúc đó có thể cho con một chút snack dinh dưỡng mà con thích, hoặc uống nước, uống sữa tươi từ bình ống hút (nếu con trên 1 tuổi).

6. Nếu con vẫn kiên quyết đòi ti mẹ cho bằng được, hãy chiều ý chứ đừng cự tuyệt con. Trong lúc đó, hãy tìm cách để phân tán sự chú ý của con vào việc khác hoặc hoạt động khác, để con mất tập trung và có thể tự rời ti mẹ.

7. Nếu mẹ muốn cai ti mẹ và để chuyển sang bú bình, hãy tập cho con làm quen với bình vào lúc con không quá đói. Khi quá đói và nếu con là một em bé khó tính, có thể con sẽ quấy khóc và không nhận bình. Có thể nhờ bố hoặc bà cho con bú bình trong những lần đầu tiên.

8. Nếu con đã lớn và có thể uống từ cốc hoặc bình ống hút, mẹ có thể bỏ qua luôn giai đoạn bú bình.

9. Đọc tín hiệu của con, nếu một ngày nào đó con có vẻ ham chơi mà quên giờ bú, hãy "tận dụng" luôn cơ hội này. Bổ sung dinh dưỡng cho con trong cữ đó bằng những món nhẹ nhàng khác, để con không bị đói và đòi ti sau đó.

10. Bù đắp cho con cảm giác tình cảm ôm ấp với mẹ vào những lúc khác, để con không bị hụt hẫng và đòi ti mẹ vì lí do con quen hơi ấm khi được mẹ bế cho ti.
Nguồn: Afamily
[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm