[tintuc]

Ths. BS dinh dưỡng Nguyễn Trọng An đã có những chia sẻ xoay quanh quan điểm gây tranh cãi của ông bố 8x John Hùng Trần.

Những ngày qua, bài viết bày tỏ quan điểm "không lựa chọn gạo vào thực đơn" ăn dặm của con và cả gia đình của hot dad John Hùng Trần đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa. 

John Hùng Trần cho biết, gia đình anh sẽ dùng bột yến mạch thay vì gạo (thỉnh thoảng sẽ vẫn ăn gạo). Nguyên nhân là bởi: "Bột yến mạch có giá trị dinh dưỡng hơn rất nhiều so với gạo. Có nhiều protein, sắt, canxi, kali, Omega 3, chất xơ, vitamin... hơn nữa, những chất này rất cần thiết cho sự phát triển của não và cơ thể. 

Một lý do nữa để không chọn gạo là vì chất asen, một loại chất độc hại có trong gạo. Ở hàm lượng cao, asen có thể gây ra ung thư, đau bụng, đổi màu da, tê liệt, mù hoặc tử vong. Với trẻ em, nhiễm asen còn có liên quan đến giảm trí thông minh và năng lực xã hội, suy giảm khả năng tập trung, học tập và trí nhớ".

Không ít người đã tỏ ra hoang mang vì quan điểm của John Hùng Trần bởi từ bao đời nay, người Việt Nam vẫn sử dụng gạo như một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Và cho đến hiện tại, các ông bố bà mẹ vẫn dùng gạo cho thực đơn ăn uống của con cái. Dẫu vậy, cũng có rất nhiều ý kiến phản đối suy nghĩ của John Hùng Trần và cho rằng anh chưa thực sự có kiến thức đúng đắn về vấn đề này.
Câu trả lời rõ ràng cho việc: "Chọn gạo hay yến mạch?" khi cho con ăn dặm

Liên quan đến quan điểm của John Hùng Trần, ThS. BS chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em cho biết: "Hiện tại có nhiều ông bố bà mẹ quá tôn thờ một trường phái, phương pháp, chế độ ăn uống nào đó rồi sinh ra nghi ngờ cái này, cái kia. 

Về yếu tố dinh dưỡng, yến mạch và gạo gần như giống nhau về thành phần, chỉ khác một chút ở chất béo. Lượng calo trong gạo và yến mạch cũng chỉ chênh nhau 1 chút. 

Đến tuổi ăn dặm, bé hoàn toàn có thể ăn gạo, yến mạch, tinh bột mỳ, tinh bột ngô... vì tất cả loại ngũ cốc này đều hao hao như nhau và chỉ khác nhau một chút về thành phần. Vì vậy, bố mẹ có thể cho con ăn loại ngũ cốc nào cũng được, không nhất thiết chỉ ăn 1 loại và cũng không nên bài trừ loại nào. 

Chúng ta cũng không nên quy kết cho gạo có thể nhiễm asen gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thực tế nguồn nước mới là điều đáng lo ngại về việc nhiễm asen. Hơn nữa, lấy bằng chứng gì để khẳng định yến mạch không có nguy cơ nhiễm asen hay bất cứ kim loại nặng nào khác?".

Về lập luận: "Ăn cơm và các món khác từ gạo làm cho bé no bụng (mà mọi người hay nói là "chắc dạ"), khiến cho bé sẽ khó có thể ăn thêm các món bổ dưỡng khác" của John Hùng Trần, BS Nguyễn Trọng An cho rằng suy nghĩ đó là sai hoàn toàn. 

"Chúng ta cảm thấy no là do cơ thể nạp vào nhiều năng lượng mà chất béo mới là thứ nhiều năng lượng chứ không phải tinh bột. Không chỉ vậy, chất béo còn tiêu hóa chậm hơn tinh bột. 1g tinh bột thì chỉ có 4-5 kcal nhưng 1g dầu thực vật hay mỡ heo thì lại cho đến 9kcal. Chính vì vậy no lâu là do chúng ta ăn những món như: Lạc, vừng, dầu, mỡ... 

Trẻ trên 6 tháng tuổi còn cần ăn thêm chất xơ để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Trong tinh bột không chỉ có năng lượng mà còn có cả chất xơ, giúp tiêu hóa nhanh. Vì vậy ăn tinh bột sẽ nhanh đói hơn so với việc ăn chất béo" - BS An chia sẻ thêm.

Nguồn: Pháp luật và Bạn đọc
[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm