[tintuc]
Với các mẹ bầu, mỗi tuần trôi qua bạn có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi cơ thể của mình khi mang thai. Nào là chiếc bụng trở nên to dần, rồi những vết rạn da xấu xí xuất hiện và cả sự thay đổi thất thường “mưa nắng” trong tâm trạng của mẹ bầu nữa… Dù rằng phần lớn những thay đổi này sẽ biến mất sau khi sinh, tuy nhiên một vài tình trạng trong số đó lại tồn tại kéo dài và bạn có thể điều chỉnh bằng việc thay đổi lối sống của mình.


Điều quan trọng bạn cần nhớ rằng, mỗi người phụ nữ đều có những sự thay đổi trong cơ thể khác nhau khi mang thai. Đặc biệt nếu là lần đầu có con, bạn nên chắc chắn phải thận trọng với bất kỳ sự thay đổi nào.

Chắc chắn một điều rằng, một vài điểm khác biệt có thể rất dễ dàng để nhận ra, trong khi một số khác cần được cảm nhận một cách tinh tế hơn, thậm chí đôi khi bạn lại không nhận ra chúng. Dưới đây là những thay đổi trong cơ thể khi mang thai mà bạn rất dễ nhận thấy:

1. Rạn da: Sự thay đổi cơ thể của người mẹ khi mang thai được quan tâm nhất

Rạn da khi mang thai

Chủ đề về những thay đổi cơ thể khi mang thai chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là với vấn đề mẹ bầu bị rạn da. Một số người lại tự hào rằng đấy là minh chứng cho việc thai nhi đang phát triển khỏe mạnh. Trong khi đó, không ít chị em lại cảm thấy tự ti sau khi sinh, cũng như tốn kha khá thời gian để chữa trị “vết tích” này.

Rạn da đơn giản chỉ là do trọng lượng cơ thể tăng đột ngột khiến da không thích nghi kịp, lúc này các mô liên kết dưới da (được hình thành bởi collagen và elastin đảm bảo độ đàn hồi cho da) bị căng giãn quá mức, đứt gãy tạo thành các vết rạn. Đôi khi cũng có người giải thích là do sự thay đổi hormone bên trong cơ thể.

Những vết nứt rạn này tập trung nhiều ở vùng ngực, bụng, mông và đùi. Ban đầu thường có màu hồng hoặc đỏ tía, sau chuyển dần sang trắng đục. Tình trạng này theo thống kê thường xuất hiện vào tuần thứ 13 của thai kỳ.

Mẹo khắc phục:

Bạn nên ăn các loại thực phẩm tốt cho da giàu omega-3, đặc biệt là vitamin E có tác dụng giữ cho da mềm và ngăn rạn da. Bạn cũng có thể dùng dầu vitamin E hoặc dầu dừa để massage lên vùng da bị rạn. Đồng thời nên uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục để tăng độ đàn hồi cho da, cũng như kiểm soát cân nặng tốt.

2. Thay đổi kích cỡ giày dép

Thay đổi kích cỡ giày dép khi mang thai

Bạn có thể ngạc nhiên về mối tương quan giữa kích cỡ giày (hay bàn chân nói chung) với việc mang thai. Nhiều bầu đã nhận thấy rằng bàn chân của họ dường như đã tăng kích thước vào cuối thai kỳ.

Sự gia tăng kích cỡ giày này có thể xảy ra do ba lý do:
- Một là trọng lượng cơ thể tăng lên khi mang thai khiến cho bàn chân phình to cũng như dài hơn.
- Cũng có thể nguyên nhân bắt nguồn bởi hormone relaxin, giúp thư giãn xương và dây chằng nhằm mục đích tăng tính đàn hồi của cơ thể trong khi sinh. Điều này cũng làm cho dây chằng ở bàn chân giãn ra, từ đó làm tăng chiều dài của bàn chân.
- Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng đó chính là hiện tượng sưng phù chân thường gặp ở thai kỳ (gây ra bởi do mạch máu ở bàn, bắp chân bị chèn ép) cũng có thể khiến mẹ bầu phải thay đổi kích cỡ giày.

Mẹo khắc phục:

Mua thêm giày dép chính là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này. Mặc dù sự thay đổi cơ thể này khi mang thai sẽ giảm dần nhưng bạn không thể cố di chuyển với một đôi giày không thoải mái được. Mẹ bầu nên đầu tư một đôi giày thoải mái, co giãn đàn hồi tốt, không cao gót để giảm bớt sự khó chịu.

3. Da khô

Da khô khi mang bầu

Một sự thay đổi trong cơ thể khác mà bạn có thể dễ nhận thấy khi mang thai là làn da trở nên khô, ngứa và bong tróc. Sự thay đổi nội tiết tố chính là “thủ phạm” gây ra vấn đề mà bạn không lường trước được. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của thai nhi, làn da mẹ sẽ trở nên khô do thiếu nước. Da lúc này dễ nhạy cảm hơn, dễ bị ngứa, dị ứng và nổi mẫn, đặc biệt là những vùng như mặt, tay chân, đùi, ngực…

Mẹo khắc phục:

Hạn chế dùng xà phòng để tắm và rửa mặt, thay vào đó, nên sử dụng loại ít có xà phòng để tránh ăn mòn da, dễ khiến cho da và mất nước hơn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày. Tránh dùng mỹ phẩm có mùi thơm để không bị kích ứng da. Tuyệt đối không gãi khi đang ngứa để ngăn việc gây lở loét và nhiễm trùng. Bà bầu nên uống nhiều nước, quan tâm đến chế độ ăn hơn nữa, nhất là với việc bổ sung các vitamin thiết yếu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng các loại kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm, giúp da mềm mại hơn giảm tình trạng khô, ngứa.

4. Thay đổi kích cỡ vòng một

Thay đổi kích cỡ vòng 1 khi mang thai

Ngoài việc thay đổi kích cỡ giày thì mách nhỏ là ngực của bạn sẽ tăng kích thước lên thêm, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên. Nguyên nhân chính bởi sự tăng vọt nồng độ của hormone estrogen và progesterone. Bạn cũng không cần quá lo lắng, bởi lẽ đây là tình trạng phổ biến, sự thay đổi cơ thể này khi mang thai để phù hợp với chức năng sản xuất sữa và chuẩn bị cho con bú.

Đồng thời với đó, tình trạng nhạy cảm và đau ngực cũng xảy ra do ảnh hưởng bởi hai loại hormone trên, chúng khiến cho núi đôi trở nên mềm mại, nhạy cảm hơn. Thậm chí, mẹ bầu có thể có cảm giác đau khi chạm vào. Tuy nhiên, tất cả sẽ trở lại bình thường một khi bạn ngừng cho con bú.

Mẹo khắc phục:

Bạn chắc chắn cần đầu tư sắm những loại áo ngực dành cho bà bầu với chất lượng tốt, được làm bằng chất liệu vải thoáng khí là một điểm cộng, giúp đem lại cảm giác thoải mái mà không gây bí tắc, ngột ngạt cho mẹ bầu. Một lời khuyên khác cho bạn là nên mặc áo ngực bà bầu trong khi ngủ, điều này cũng có thể giúp giảm tình trạng đau ngực hiệu quả.

5. Vấn đề về sức khỏe răng miệng

Vấn đề răng miệng khi mang thai

Vì sao sức khỏe răng miệng lại dễ suy giảm trong thai kỳ cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Khi có thai, sự mệt mỏi, căng thẳng tăng lên rất nhiều khiến bạn mệt mỏi và lơ là chuyện chăm sóc răng miệng chu đáo. Điều này dễ dẫn đến việc hình thành mảng bám cũng như tích tụ vi khuẩn gây hại.

Hơn nữa, sự thay đổi nội tiết tố cũng ảnh hưởng không tốt đến nướu răng gây ra tình trạng viêm, sưng tấy, chảy máu không mấy dễ chịu với mẹ bầu. Lâu dần, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng  viêm nha chu nghiêm trọng hơn.

Thêm nữa, việc ăn uống thường xuyên của bà bầu làm cho răng tiếp xúc nhiều với axit trong thức ăn. Bên cạnh đó, chứng ốm nghén cũng làm axit tác động đến răng miệng, từ đó làm suy yếu men răng.

Khi vi khuẩn phát triển quá mức trong miệng, chúng có thể xâm nhập qua nướu và di chuyển đến tử cung, kích thích sản xuất thêm prostaglandin (để chống lại nhiễm trùng). Tuy nhiên, chất này còn có tác dụng gây co thắt tử cung, dẫn đến sinh non.

Mẹo khắc phục:

Nên vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ bất kỳ mảng bám bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn.

Chìa khóa để có một thai kỳ khỏe mạnh là cần sự chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, kể cả những thay đổi trong cơ thể khi mang thai tưởng chừng như “ai cũng biết”. Đôi khi nhiều tình huống bất ngờ xảy ra mà bạn có thể không lường trước được. Cùng chia sẻ thêm những cách mà bạn đã vượt qua những thay đổi này với mọi người ở phía dưới phần bình luận nhé!

Nguồn: Marry Baby
[/tintuc]

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm